Melbourne: Tưởng Niệm Ngày Quốc Hận 30 tháng Tư 2021
Sau nghi thức chào Quốc Kỳ Úc-Việt và một Phút Mặc Niệm, Andrew Đỗ (Trưởng Ban Cố Vấn Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc - KLĐHNG), Tố Quyên (thành viên KLĐHNG) và ông Nguyễn Thế Phong (Trưởng Ban Quản Trị Đền Thờ Quốc Tổ) được mời lên dâng hương làm lễ Cáo Tổ trong một bầu không khí thật trang nghiêm.
"Đây là buổi lễ Tưởng Niệm cho Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, là ngày để tưởng nhớ về quê hương Việt Nam và những người thân, nhưng cũng là ngày để [bày tỏ sự cảm phục về] cuộc hành trình đi tìm tự do ở một quê hương thứ hai. Chúng con xin chào đón tất cả quý quan khách và đồng bào đã đến dự Buổi Lễ Tưởng Niệm ngày hôm nay để đánh dấu 46 năm ngày mất nước của VNCH. Một ngày mà đối với rất nhiều người, những sự kiện xảy ra vẫn còn thật mới mẻ và hằng sâu trong tâm trí, và đối với một số người khác thì ngày ấy đã trở thành một phần của lịch sử và văn hóa. Chúng ta cũng xin bày tỏ lòng tôn kính và vinh danh những người đã chiến đấu để bảo vệ tự do cho Miền Nam Việt Nam, và những người đã bỏ mình trên biển cả hay trong rừng sâu trên đường đi tìm tự do" - đó là lời mở đầu buổi lễ của hai cô MC Jenny Trần (tiếng Anh) và Julianne Nguyễn (tiếng Việt) thuộc KLĐHNG.
Buổi lễ Tưởng Niệm năm nay là năm thứ tư được các bạn trẻ thuộc thế hệ thứ hai từ KLĐHNG đứng ra tổ chức.
Andrew Đỗ, thay mặt cho BTC, ngỏ lời chào đón các quan khách, đồng bào và nói về ý nghĩa của buổi lễ - "Hôm nay chúng ta đến đây để tham dự buổi lễ tưởng niệm ngày mất Sài Gòn ... Là một người Úc gốc Việt, thế hệ thứ hai, điều quan trọng là chúng ta không bao giờ quên ý nghĩa của ngày này để chúng ta có thể tiếp nối di sản của cộng đồng người Việt tỵ nạn ... Đêm nay chúng ta sẽ cùng nhau lắng đọng, hồi tưởng và bày tỏ lòng kính trọng đối với những người đã khuất".
Ông Nguyễn Định (Chủ Tịch Hội CQN QLVNCH/VIC) nhắc lại những diễn biến lịch sử của ngày 30 tháng Tư, một ngày vô cùng đau buồn cho người dân Miền Nam Việt Nam. Tuy đã là 46 năm qua nhưng vẫn còn khắc sâu trong tâm trí của mọi người. Ông Định cho rằng các thế hệ trẻ có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tìm hiểu sự thực vì lịch sử được viết bởi phe thắng cuộc. Tuy nhiên, theo ông Định, các ban trẻ chỉ cần so sánh những gì xảy ra cho người dân Miền Nam Việt Nam (sau khi chiến tranh chấm dứt) với những gì diễn ra sau cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1865), sau khi Bức Tường Bá Linh sụp đổ (1989), sau khi Nhật đầu hàng Hoa Kỳ (1945) thì sẽ thấy ngay bản chất phi nhân của CSVN. Và trong suốt 20 năm chiến tranh tại Việt Nam, ở đâu có chiến sự bùng nổ thì ở đó người dân đều chạy về phía người lính VNCH, điều này là một bằng chứng để cho các thế hệ trẻ thấy được bên nào thực sự có chính nghĩa.
Cô Phượng Vỹ (Chủ Tịch Ủy Ban Đa Văn Hóa Sắc Tộc Sự Vụ) vừa bước lên bục đã khóc sụt sùi, cô nghẹn ngào nói không nên lời, nước mắt chảy dài. Tuy không nghe, không hiểu được những lời cô nói trong nước mắt nhưng ai ai cũng cảm được cái tâm trạng của cô, đó cũng là tâm trạng chung của mọi người.
Tiếp theo là phần trình chiếu một đoạn video để tưởng nhớ về Ngày 30 tháng Tư với những hình ảnh, lời tuyên bố, sự nhận định,... đánh dấu cho sự bắt đầu của một trang sử đen tối nhất của Việt Nam.
Ông Steve Lowe (Cựu Chiến Binh Úc) xúc động chia sẻ - Ông đã theo dõi các diễn biến chính trị và chiến sự ở Việt Nam hàng ngày và thật sự bàng hoàng khi được tin Sài Gòn đã bị CSVN tiến chiếm vào ngày 30/04/1975. Cùng ngày, ông nhận được thư của cô em vợ xin ông ra tay cứu giúp gia đình cô thoát khỏi Việt Nam. Ông cảm nhận được sự hoảng sợ và nỗi tuyệt vọng của gia đình cô em vợ cũng như bao người khác nhưng ông chỉ biết thở dài, xót xa trong sự bất lực. Sau đó, ông tiếp tục theo dõi tin tức về các thảm nạn của người vượt biển với những câu chuyện thương tâm, kinh hoàng mà người Việt phải trải qua trên con đường vượt thoát đi tìm tự do. Và vào năm 1984 ông đã bảo lãnh được gia đình cô em vợ sang Úc sau khi chồng cô ra tù - 7 năm trong trại giam "cải tạo". Tuy nhiên, cho mãi đến ngày hôm nay ông vẫn cảm thấy xót xa, đau buồn cho người dân Việt và sự bất lực ngày nào vẫn còn đè nặng trong lòng ông mỗi khi nghĩ về ngày Sài Gòn bị thất thủ.
Ông Nguyễn Việt Long (Chủ Tịch Footscray RSL) ngỏ lời cám ơn và ngợi khen các bạn trẻ - "Các bạn trẻ KLĐHNG tổ chức buổi lễ tưởng niệm Ngày 30 tháng Tư đã nói lên tinh thần tuổi trẻ hải ngoại nhớ đến ngày đau buồn của dân tộc Việt Nam".
Ông Long chia sẻ về tình cảnh gia đình và nhiệm vụ của một người lính trong bối cảnh của những ngày cuối tháng Tư, 1975. Mỗi người trong chúng ta có một hoàn cảnh khác nhau, là một vị sĩ quan Hải Quân phục vụ trên một chiến hạm, ông nhận lệnh đi đón quân và dân ở Đà Nẵng, và trên đường trở về Vũng Tàu thì ông được hung tin của người em trai, một Thiếu Uý TQLC, tử trận. Đến ngày 28 tháng Tư thì Hạm Trưởng cho phép nhân viên trên tàu về đón gia đình đi di tản nhưng không may cho ông là ba mẹ ông không chịu đi còn vợ thì bị thất lạc ở ngoài Trung thế là ông đành phải ở lại chịu nhiều gian nan, tù đày cùng dân quân miền Nam Việt Nam.
Sau cùng ông Long nói về hiện tình đất nước - Tuy chiếm được Miền Nam nhưng VC không chiếm được lòng người, mãi cho đến hôm nay người dân Việt Nam vẫn còn muốn ra đi. Anh hùng Nguyễn Thái Học khi lên đoạn đầu đài, ngày 17/06/1930, cách đây gần một thế kỷ, đã để lại một câu nói bất hủ - "Không thành công thì thành nhân". "Thành nhân" là thế nào? Là trở thành một con người biết yêu nước, biết thương đồng bào và sẵn sàng hy sinh và tranh đấu cho dân tộc Việt Nam để đạt được 3 mục tiêu - Dân tộc phải được độc lập, dân quyền phải được tự do, dân sinh phải được hạnh phúc, mà 3 điều này ở tại Việt Nam không có.
Anthony Trần (thành viên KLĐHNG), nay là Phó Thị Trưởng Maribyrnong, tuy còn trẻ nhưng có một nhận xét thật chính xác - Ngày 30/04/1975, ngày Sài Gòn thất thủ, không phải chỉ là ngày chấm dứt cuộc chiến mà còn là ngày chấm dứt cuộc sống của bao người dân Việt Nam. Nước mất nhà tan, gia đình ly tán, cuộc sống của Miền Nam Việt Nam bị đảo lộn, thay đổi vĩnh viễn. Rồi theo sau là những năm tháng đau thương và vẫn còn mãi đau thương cho rất nhiều người trong chúng ta cho đến tận bây giờ. Ngày đen tối ấy đánh dấu cho sự bắt đầu cuộc sống tha hương của cộng động người Việt trên khắp thế giới. Trong lòng người dân Việt, ngày 30 tháng Tư luôn là một ngày để tưởng niệm. ("The fall of Saigon marked not only the end of the war, but it marked the end of the lives of many people in Vietnam. Homes were lost, and families separated. Lives changed forever. The years that followed were painful for many, and for many of us today it still is. It marked the beginning of the diaspora of the Vietnamese community across the world. The 30th of April in the heart of the Vietnamese people, will always be day of commemoration.")
Anthony trân trọng bày tỏ lòng tôn kính và tri ân đến các bậc ông bà, cha mẹ, các chiến sĩ Úc-Việt về sự hy sinh cao cả để cho các thế hệ con cháu có được một tương lai tươi sáng và được sống trong một xã hội tự do, dân chủ. Sau cùng, Anthony có một thông điệp gởi đến cho thế hệ thứ hai và các thế hệ nối tiếp - Đây là những gì chúng ta được thừa hưởng từ các thế hệ đi trước và cũng là di sản của chúng ta, cho nên chúng ta phải luôn luôn nhớ về nguồn cội và vinh danh những con người "vĩ đại" mà chúng ta đã dùng làm chỗ dựa để thăng tiến ("This is our heritage and our legacy – Let us not forget our roots and always honour the giants whose shoulders we stand on today.")
Catriona Nguyễn-Robertson (thành viên KLĐHNG), trong tà áo dài, trình bày ca khúc "Vượt Biên" với thật nhiều cảm xúc vì đây là ca khúc do chính cô cảm tác dựa vào câu chuyện kể về kinh nghiệm vượt biển của mẹ cô. Và cô xin dâng tặng ca khúc này cho tất cả những người Việt tỵ nạn. Đặc biệt ca khúc "Vượt Biên" có một phần tiếng Việt như sau:
.....
Anh chị em ơi
Giông tố đã qua
Vượt qua chông gai đau khổ
Vượt qua rừng rậm biển sâu
Làm lại cuộc đời
Tại quê hương mới
Cùng nắm tay nhau
Gây dựng tương lai
Yêu thương tổ quốc Việt Nam
Góp phần xây dựng
Quê hương mới
Của chúng ta
(Trọn bài hát "Vượt Biển" đính kèm bên dưới)
Ngày hôm nay là một ngày đau thương, uất hận đối với người dân Miền Nam Việt Nam, với bài hát "Nước Mắt Biển Đông" (Nguyệt Ánh) Ban Hợp Ca Hội Phụ Nữ CĐNVTD/VIC đã nói lên tâm trạng bi phẫn của hàng triệu người bỏ nước ra đi mà trong đó có hàng trăm ngàn người bỏ mình trên biển Đông chỉ vì muốn "Hỏi thế giới có ai chia tự do?!"
Phần lễ chính thức được ông Nguyễn Thế Phong cử hành trong một bầu không khí u trầm, nghẹn ngào xúc động với bài văn tưởng niệm các chiến sĩ trận vong và đồng bào đã hy sinh vào ngày 30 tháng Tư, 1975, và những ngày tháng sau đó.
Ông Nguyễn văn Bon (Chủ Tịch CĐNVTD/VIC) bày tỏ lòng tri ân đối với sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ QLVNCH và quân đội đồng minh trong công cuộc bảo vệ tự do cho Miền Nam Việt Nam, và để giải thích cho các bạn trẻ về làn sóng người Việt tỵ nạn, ông Bon đã nêu lên một sự thật hiển nhiên - Trước 1975, mặc dầu chiến tranh leo thang, khói lửa tràn lan khắp Miền Nam Việt Nam nhưng không có một ai bỏ nước ra đi xin tỵ nạn, trong khi đó sau ngày 30/04/1975, đất nước tuy đã "hòa bình" nhưng đã có hàng triệu người liều mình bỏ nước ra đi tìm sự sống trong cái chết. [Tại sao? Hỏi là đã trả lời!]
Để kết thúc buổi lễ, hai MC Jenny Trần và Julianne Nguyễn, thay mặt cho BTC, bày tỏ cảm nghĩ - "... May mắn hơn cho thế hệ thứ hai là đã có môi trường tốt để trưởng thành vì vậy chúng con rất biết ơn nước Úc, [các bậc ông bà, cha mẹ] và cảm thấy phải có trách nhiệm đền đáp lại công ơn và đồng thời phải giữ gìn nguồn gốc Việt Nam của mình đó là lý do mà các thành viên trong KLĐHNG đã mạnh dạn đứng ra tổ chức buổi lễ tưởng niệm Ngày 30 Tháng Tư 1975."
Vào ngày này, 46 năm trước, bao nhiêu nước mắt đã rơi, và ngày hôm nay 46 năm sau nước mắt vẫn tiếp tục rơi trên nỗi đau thương, uất hận không nguôi. Tuy nhiên trong những giọt nước mắt đau buồn đó, có lẽ, còn có những giọt nước mắt mừng vui khi thấy "tre già măng mọc" với các thế hệ trẻ đã bắt đầu trưởng thành, tỏ ra hiểu biết và cảm nhận được những sự hy sinh vô bờ bến của các thế hệ đi trước.
Melbourne
30/04/2021
Một số hình ảnh của buổi lễ - https://photos.app.goo.gl/KMkN8M17irAB4nrh7
---
Vượt Biên – The Escape
A new day dawns as we start again
And the sun will rise as we go through this pain
We have all found a new place to call home
All of us together – we are not alone
We survived the fall
We rise and stand tall
The smoke was looming closer on the horizon
Everything that we once knew was falling apart
The streets were in chaos as we all tried to run
Carrying very little with us, our treacherous journey had begun
Leaving people we loved, we set off on the sea
Not everyone made it through on this journey to be free
The food was scarce, the boat was cramped and not worthy to sail
And the many perils of the seas are common threads in our tales
We fled without a thought of anywhere to go
A month on a boat and months in a camp, huddled together in limbo
Having lost our money and family, we set foot on these shores
We couldn’t speak a word and had only the clothes we wore
There were many kind people who took us in
As we learned a new language and how to fit in
Wanting to give back I studied nursing and midwifery
Fell in love with a Scottish man who also loved me
Anh chị em ơi
Giông tố đã qua
Vượt qua chông gai đau khổ
Vượt qua rừng rậm biển sâu
Làm lại cuộc đời
Tại quê hương mới
Cùng nắm tay nhau
Gây dựng tương lai
Yêu thương tổ quốc việt nam
Góp phần xây dựng
quê hương mới
của chúng ta
Ca khúc "Vượt Biển" được Catriona Nguyễn-Robertson thâu tại nhà -