• Sydney: Tưởng Niệm Ngày 30 tháng Tư năm 2023

  • Melbourne: Viện Bảo Tàng Việt Nam Tái Khởi Công ngày 26-02-2022

  • Sydney: Lễ Tưởng niệm Thiếu Tướng Lê Minh Đảo ngày 19-03-2022

  • Wollongong: Diễn hành Ngày ANZAC - 25-04-2022

  • Sydney: Tưởng Niệm Ngày 30 tháng Tư năm 2022

  • Ngày Quân Lực 19/06/2019 ở San Diego

  • Canberra: 44 năm Quốc Hận - 30/04/2019

  • Canberra: 44 năm Quốc Hận - 30/04/2019

Copyright 2024 - Người Việt Ly Hương - Úc Châu

Tâm thư 2 - Dự án Xây dựng Viện Bảo Tàng và Trung Tâm Văn Hóa

22-1-2023 - Mùng Một Tết Quý Mão

 

TÂM THƯ 2

Kính gửi Quý Vị Lãnh Đạo các Tôn Giáo và Toàn thể Đồng hương

Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu

DỰ ÁN XÂY DỰNG VIỆN BẢO TÀNG VÀ TRUNG TÂM VĂN HÓA

 

Kính thưa quý đồng hương,

Sau biến cố 30-4-1975, số người Việt chúng ta bỏ nước ra đi trong suốt 20 năm từ 1975-1995 đã lên đến gần ba triệu người. Những kế sách của nhà cầm quyền cộng sản áp dụng lên người dân miền Nam như vùng kinh tế mới, tập trung khổ sai mà họ gọi là cải tạo, kỳ thị "ngụy quân, ngụy quyền"… đã đẩy người ta ra biển.

Câu nói của Ginetta Sagan "Nếu cái cột đèn mà biết đi nó cũng bỏ Việt Nam đi vượt biên" đã diễn tả được sự áp bức của chế độ cộng sản và sự ngột ngạt trong xã hội miền Nam vào những thập niên 70, 80 và đầu 90.

Người ta bỏ nước ra đi mà không biết đi đâu, đi mà không biết gì về những hiểm nguy của cuộc hải hành, mù tịt về tương lai nhưng lại chấp nhận tất cả. Và họ đã chết thật, chết một cách tức tưởi, chết trong sợ hãi, trong nhục nhã. Họ chết vì đi lạc, vì bão tố, vì đói, vì khát và vì hải tặc. Cao Ủy Tị Nạn Quốc Tế ước lượng sồ người chết vì đi tìm Tự Do đã lên đến nửa triệu người.

Nhưng cũng có những người may mắn đến được các quốc gia trong vùng Đông Nam Á hay Hồng Kông. Mới đầu những thuyền nhân Việt Nam đã được đón tiếp, đối xử tử tế vì chính phủ và dân chúng các quốc gia này hiểu và cảm thông được những khó khăn, khổ ải khi phải sống dưới chế độ cộng sản.

Nhưng sau vài năm đầu, vì số người đi vượt biên ngày càng nhiều, việc lo cho thuyền nhân Việt Nam đã trở thành một gánh nặng cho các quốc gia đó. Đó là lý do mà Mã Lai, quốc gia đầu tiên vào tháng 6-1979 đã quyết định không cho thuyền nhân cập bến, nổ súng nếu cứ đổ bộ lên đất của họ cũng như kéo những chiếc thuyền đánh cá ọp ẹp chở đầy người trở ra biển. Và họ đã làm thật, những chiếc thuyền mong manh đó cái thì bị vỡ, cái thì bị lật úp đem con số tử vong lên cao hơn.

Nhờ vào sự can thiệp, yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Phao Lồ Đệ nhị và của Mẹ Teresa, cả thế giới đã đồng ý ngồi xuống giải quyết thảm trạng thuyền nhân Việt Nam. Các quốc gia cho tạm cư có ngân khoản để tiếp tục đón nhận thuyền nhân, các quốc gia tân tiến đồng ý cho người tỵ nạn đi định cư, thủ tục thanh lọc có sự tham dự của Cao Ủy Tỵ Nạn Quốc Tế (UNHCR). Trong khoảng thời gian đó tôi và Sơ Trần Thị Niên đang là thành viên của Hội Đồng Cố Vấn về vấn đề Tỵ Nạn (Australian Refugee Advisory Council) cho Chính phủ của Thủ Tướng Malcolm Fraser nên hiểu rõ vấn đề này.

Nếu không có sự hy sinh của những người đồng hương xấu số đó, cũng như nếu không có sự can thiệp của Đức Giáo Hoàng Phao Lồ Đệ nhị và Mẹ Teresa, chuyện gì đã xảy ra cho toàn khối người tỵ nạn chúng ta? Nếu các quốc gia tân tiến đã không cố gắng giải quyết, thì giờ này chúng ta ở đâu? Làm gì?

Nói như vậy để chúng ta cần nhận thức rằng tất cả chúng ta đều có một MẪU SỐ CHUNG – "TỴ NẠN CỘNG SẢN" và quan trọng hơn nữa là oan hồn của những người đã khuất đang chờ đợi chúng ta có được một nơi lưu trữ tất cả những gì mà chúng ta muốn để lại cho thế hệ mai sau hiểu rõ tại sao chúng hiện diện ở hải ngoại cũng như tất cả những chuyện về “THUYỀN NHÂN”. Tất cả những khó khăn, khổ ải từ lúc mới toan tính ra đi rồi những cuộc hải hành hãi hùng vì đi lạc, vì hải tặc rồi đến những vất vả, cơ cực trong trại tỵ nạn cần được kể và lưu giữ lại. Thêm vào đó, địa điểm của những mộ chôn tập thể của các đồng hương xấu số cũng cần được giữ lại. Trong mười năm làm chủ tịch Cộng Đồng Liên Bang, tôi đã có cơ hội đi thăm các trại tỵ nạn Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan và Hồng Kông đã thấy, nghe, được kể lại những nỗi đau thương, khổ nhục, ê chề nhất là các trường hợp của những người bị rớt thanh lọc đợt hai đã tự thiêu, mổ bụng, thắt cổ tự tử.

Ngày thứ sáu tuần trước 13-1-2023 khi tiếp xúc với những người có trách nhiệm xây dựng Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân, Đức Cha Vincent Long, Tổng Giám Mục địa phận Paramatta đã nói:

Đây là một công trình quan trọng nhất của cộng đồng người Việt tại Úc, nếu không nói là cho cộng đồng người Việt hải ngoại trên thế giới, để bảo tồn văn hóa, lưu trữ những câu chuyện về hành trình tìm tự do, nêu cao những thành tựu của chúng ta, tưởng nhớ những người đã hy sinh vì Tự Do, và quan trọng nhất là bày tỏ lòng biết ơn nước Úc và các quốc gia khác đã chào đón chúng ta. Chúng ta chỉ có một cơ hội duy nhất này để xây dựng Viện Bảo Tàng với sự hỗ trợ tài chánh của các cấp chính quyền tiểu bang và liên bang. Sự thành công của công trình này phụ thuộc vào sự hợp tác của cộng đồng người Việt trên toàn nước Úc, đặc biệt là ở tiểu bang Victoria nơi Viện Bảo Tàng sẽ được xây dựng.

Ngoài ra dự án xây dựng Viện Bảo Tàng còn nhận được sự hỗ trợ của Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng trụ trì Tu Viện Quảng Đức và Thượng Tọa Thích Phước Tấn trụ trì chùa Quang Minh.

Do đó nếu tất cả chúng ta đều có cùng một quan điểm: đây là một điều bất di bất dịch, cộng đồng chúng ta CẦN có một nơi để bảo tồn văn hóa, lưu trữ những dữ kiện về Thuyền Nhân thì không có một trở ngại nào mà không thể vượt qua. Dự án nếu có gì thiếu thì chúng ta thêm, có gì sai thì chúng ta sửa. Hãy bình tâm ngồi lại làm việc để chứng tỏ sự trưởng thành, đoàn kết và quyết tâm của khối người Việt quốc gia tại hải ngoại.

Kinh nghiệm đã cho thấy, chỉ có người cộng sản mới chống phá việc lưu lại cho thế hệ mai sau những sự thật về THUYỀN NHÂN. Người cộng sản muốn chối bỏ sự thật, che dấu, xóa bỏ những chứng tích của một thời đại đen tối nhất của lịch sử nước ta.

Năm 2005, cùng với một số các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, tôi và một số đông đồng hương trở về từ các quốc gia trên thế giới đã xây dựng hai Tượng đài Tưởng niệm Thuyền nhân tại các trại tỵ nạn Galang và Pulau Bidong nhưng chỉ sau một thời gian ngắn nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã gây áp lực lên các chính phủ Mã Lai và Nam Dương và đã đập phá được cả hai với lý do là "những Tượng Đài này đã xúc phạm đảng cộng sản Việt Nam". Sự việc này đã được đăng tải rộng rãi trên báo chí của Mã Lai và Nam Dương.

Thêm vào đó là sự chống báng của chính phủ Việt cộng qua tòa đại sứ tại Canberra khi cộng đồng chúng ta xây những Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân tại các tiểu bang, một lần nữa đã cho thấy, họ rất sợ việc người tỵ nạn chúng ta thành công trong việc xây dựng Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân.

Hiện nay chúng ta đang có một số điểm dị biệt trong công tác xây dựng dự án từ danh xưng, cách chuyển nhượng ngân khoản trợ cấp của chính phủ…nhưng phải thành thật mà nói chúng ta đã đạt được nhiều thành quả khả quan nhờ vào sự đóng góp công sức của các thiện nguyện viên Úc, Việt liên tục làm việc không lương cho dự án từ năm 2019 đến nay. Các thiện nguyện viên người Việt có khả năng chuyên môn này là những người như chúng ta, đã chịu ơn những người đã khuất hay nói đúng hơn đang mang một món NỢ tinh thần như chúng ta. Sau hơn ba năm làm việc họ đã giúp chúng ta có được sự tin cẩn về cách thức làm việc, sự minh bạch để có được sự hỗ trợ về tài chánh của cả chính phủ tiểu bang lẫn liên bang cho dự án.

Chúng tôi cầu mong rằng trong những ngày sắp tới, tổ tiên sẽ dẫn dắt để tất cả chúng ta cùng ngồi lại, phá bỏ mọi tỵ hiềm, bỏ qua những sơ suất, thêm thắt sửa đổi những điểm cần làm để chúng ta có thể xúc tiến dự án trong thời gian sớm nhất.

Trân trọng kính chào quý đồng hương.

Kính thư,
Bùi Trọng Cường AM - Chủ Tịch CĐNVTD/UC – TB QLD
Thành viên Hội Đồng Quản Trị Dự Án Xây Dựng Viện Bảo Tàng từ 2022
Cựu Chủ Tịch CĐNVTDLB/UC 1982-1991

 

Số trang đã đọc

Articles View Hits
1038959

Số độc giả đang đọc

We have 554 guests and no members online