• Sydney: Tưởng Niệm Ngày 30 tháng Tư năm 2023

  • Melbourne: Viện Bảo Tàng Việt Nam Tái Khởi Công ngày 26-02-2022

  • Sydney: Lễ Tưởng niệm Thiếu Tướng Lê Minh Đảo ngày 19-03-2022

  • Wollongong: Diễn hành Ngày ANZAC - 25-04-2022

  • Sydney: Tưởng Niệm Ngày 30 tháng Tư năm 2022

  • Ngày Quân Lực 19/06/2019 ở San Diego

  • Canberra: 44 năm Quốc Hận - 30/04/2019

  • Canberra: 44 năm Quốc Hận - 30/04/2019

Copyright 2024 - Người Việt Ly Hương - Úc Châu

Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II Nha trang và Tướng Tư Lệnh Phạm văn Phú rời đi trong giờ phút cuối cùng

Lời Chia Sẻ. Thật cảm kích biết bao, qua bài viết lên tiếng chí tâm, chí thành của tác giả Nhà Báo Bùi Quốc Hùng: "May chăng là còn những người biết chuyện, họ lên tiếng cho một sự thật để lương tâm không cắn rứt và hơn nữa, nếu ta biết mà không nói thì ai nói thay ta?”. (Bùi Quốc Hùng- Một người lính ở BCH5TV).

Thiết nghĩ, bài báo: “Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II Nha trang và Tướng Tư Lệnh Phạm văn Phú rời đi trong giờ phút cuối cùng”, dưới đây, đã phản bác lại những bọn truyền thông phản chiến “Mỹ, Vẹt" cực tả với bản chất gian dối, bất lương, từng là nhân tố “bức tử" đất nước VNCH!

Hai quyển sách (chỉ là một trong muôn bài bịa đặt): “Cruel Avril” (Editions Robert Laffont, Paris, 1987) của Olivier Todd và “Vietnam at War” (Sedgwick & Jackson Publishers, London, 1989 của Lt.General Philip B. Davidson, US Army (ret.) được lần lượt xuất bản trong các năm 1987 và 1989, nghĩa là 12 năm và 14 năm sau cuộc chiến tranh chấm dứt, và 48 năm sau, người dịch Tôn Quang Tuấn “...trích dẫn những dòng trong sách để thẩm định lại thời điểm đó!?”, (mà Nhà Báo BQH đã có câu trả lời, trong bài viết của ông).

Thời gian qua đi, đã gần nửa thế kỷ, chính xác là đã 48 năm, chúng ta phải nghe lại những tiếng “vo ve" quá khó chịu của bọn truyền thông, nhân danh “đệ tứ quyền" bất lương này, vào mỗi mùa tranh cử Tổng Thống của nước Mỹ. CS không có danh dự, không biết xấu hổ, không có lương tri. Tôi gõ Google, tìm đọc lại bản “Báo Cáo Của Người Chiến Binh" (A Soldier Reports) trong cuốn hồi ký của Đại Tướng Westmoreland, xuất bản năm 1974, nguyên văn như sau:

“...vị chỉ huy quân sự cao nhất của Mỹ tại Việt Nam trong giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc chiến, Đại tướng William Westmoreland, vẫn luôn thể hiện sự hậm hực với các nhà báo Mỹ. Ông đổ lỗi cho họ đã phá hỏng những “chiến thắng” mà quân đội Mỹ tạo ra và đưa ra những hình ảnh xấu xí tới công chúng.

Nói về lịch sử đối đầu giữa giới quân sự và báo chí, tướng Westmoreland khẳng định quan điểm của ông: “Tôi biết rằng trong lịch sử các chỉ huy quân sự đều có các vấn đề với giới báo chí. Hồi trước Napoléon có nói “Ba tờ báo thù địch đáng sợ hơn một nghìn lần chiếc lưỡi lê”. Trong cuộc nội chiến ở Mỹ, tướng W.T. Sherman sau khi đã treo cổ một nhà báo về tội làm gián điệp đã nhận xét “Thà để cho Jefferson Davis cai trị còn hơn để cho bọn viết báo nhảm nhí lợi dụng quyền của họ”.

Tóm lại, bài Báo phân tích và phản biện rất rành rẽ của Nhà Báo Bùi Quốc Hùng, nói chung, đã cho chúng ta “Ôn cố tri tân"; cảm nhận sâu sắc câu: “Sống vi Tướng, tử vi Thần"; và “Uy vũ bất năng khuất, vô dĩ thành bại luận anh hùng", trong văn hóa truyền thống của Việt tộc chúng ta. Trịnh Quân (Z.36).

Trong Tháng Tư này, tôi đọc những bài viết về đề tài Tháng Tư năm 1975. Một đề tài tôi chú ý: “Từ Ban Mê Thuột đến cuộc triệt thoái Cao Nguyên”của tác giả Tôn Quang Tuấn. Là một người lính phụng sự tại một đơn vị đồn trú ở Thành phố Nha Trang & Bán Đảo Cam Ranh hơn 5 năm trong lãnh thổ Quân Đoàn II, tôi có thói quen hay tìm tòi, đọc bất cứ bài viết, đề tài gì liên quan đến Quân Đoàn II, đặc biệt liên quan đến lãnh thổ của Vùng 5 Tiếp Vận và những ngày cuối cùng của Quân Đoàn II. Tôi đọc kỹ lưỡng toàn bài và rồi tôi kinh ngạc đến sững người, tê tái khi nhận thấy bài viết hoặc bài dịch mang nội dung và ý tưởng phản lại lịch sử. Tôi đã đọc đi, đọc lại bài “Từ Ban Mê Thuột đến cuộc triệt thoái Cao Nguyên” nhiều lần để chắc chắn rằng tôi không hiểu nhầm một điều gì trong bài này. Sau những suy nghĩ cặn kẽ, tôi thấy cần phải viết ra một sự thật hoàn toàn khác biệt về những chi tiết đã có trong bài viết-dịch nêu trên.

Trước hết, mở đầu, tác giả Tôn Quang Tuấn viết về việc Tổng Thống Nga Putin , ngày 24 tháng 2 xua quân xâm chiếm Ukraine và sau đó ông nhớ lại cùng thời gian này, 48 năm trước, Cộng Sản Bắc Việt tấn công Cao Nguyên Việt Nam Cộng Hòa Miền Nam. Kế tiếp, tác giả nêu ý kiến của ông về “Sự thất thủ Ban Mê Thuột và cuộc triệt thoái Cao Nguyên”; và “Sự tin tưởng thông thường đến nay đều cho rằng việc thất thủ Ban Mê Thuột và cuộc rút bỏ Cao Nguyên xuất phát từ lệnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.”
Tiếp theo, trích nguyên văn: “Tất cả những sự kiện và chi tiết của bài viết dưới đây đều được căn cứ chủ yếu trên các quyển sách “Cruel Avril” (Editions Robert Laffont, Paris, 1987) của Olivier Todd và “Vietnam at War” (Sedgwick & Jackson Publishers, London , 1989 của Lt.General Philip B. Davidson, US Army (ret.)... Trích dẫn vào những quyển sách trên (có thể chưa hoàn toàn đúng) nhưng với sách tiếng Anh thì thế giới được biết nhiều hơn về “ngày tàn cuộc chiến”. Vì vậy, trích dẫn những dòng trong sách để thẩm định lại thời điểm đó.” (hết trích)

Tôi không có ý kiến gì về nguyên nhân dẫn đến hậu quả và thất bại thảm hại, đau khổ của quân và dân trong cuộc di tản vì tất cả đã là lịch sử và vì tác giả Phạm Huấn đã viết khá đầy đủ trong quyển “Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975”.
Ở đây, tôi chỉ viết ra những sự thật, tôi đã làm việc, tôi đã chứng kiến, không hề nghe ai nói, ai kể lại để không mắc vào lỗi lầm “tam sao thất bản”.

Ngày 13 tháng 4 năm 1975, Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận (BCH5TV) và Bộ Chỉ Huy Phòng Thủ Căn Cứ Cam Ranh (BCH/PT/ CC/ CR) nhận lệnh Bộ Tổng Tham Mưu/Tổng Cục Tiếp Vận chuẩn bị một địa điểm an ninh để thượng cấp họp. Địa điểm đó chính là Tòa Bạch Cung Phương Đông (do báo chí Mỹ gọi) tại Căn Cứ Cam Ranh, do Công Binh Hoa Kỳ xây dựng để Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson nghỉ một đêm khi Ông đến thăm Quân Đội Hoa Kỳ tại đây. Tháng 6 năm 1973, Quân Đội Hoa Kỳ về nước, Căn Cứ Cam Ranh được bàn giao cho Quân Lực VNCH và BCH5TV được lệnh di chuyển cùng tất cả các đơn vị tiếp vận trực thuộc từ thành phố Nha Trang vô tiếp nhận và đồn trú tại Cam Ranh. Do Bán Đảo Cam Ranh là một căn cứ quân sự rộng lớn có quân cảng quan trọng nên Bán Đảo Cam Ranh được tách khỏi hệ thống hành chánh của Đặc Khu Cam Ranh và BCH5TV đã tổ chức, thành lập BCH/PT/CC/Cam Ranh. Tòa Bạch Cung Phương Đông chỉ một lần duy nhất được phái đoàn BCH5TV gồm Trung Tá Đoàn Ngọc Khiết, Trưởng Phòng Kế Hoạch & Huấn Luyện, Trung Tá Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Đoàn Tiếp Nhận Can Cứ Cam Ranh và Thiếu Úy Bùi Quốc Hùng, Ban Kế Hoạch thăm viếng, nghỉ trưa. Sau đó, tòa nhà bỏ trống và được BCH5TV chăm sóc, giữ gìn.
Buổi họp của thượng cấp tối mật, không một ai được biết các giới chức tham dự hội họp và nội dung buổi họp. Trung Tá Phạm Quan Kim, Trưởng Phòng Tổng Quản Trị kiêm chức vụ Tham Mưu Trưởng BCH/PT/CC/CR kể lại buổi sáng ngày 14 tháng 3 năm 1975, ông đứng gần nơi đậu xe của tòa nhà nơi tổ chức buổi họp. Bất ngờ, Tổng Thống, Tổng Tư Lệnh Tối Cao của QL/VNCH xuống xe, đi thẳng đến nơi Trung Tá Kim đứng. Trung Tá Kim chào kính.

Tổng Thống Thiệu hỏi: “Anh Trung Tá, đứng đây làm gì?” Trung Tá Kim trả lời: “ Kính thưa Tổng Thống, tôi ở đây để giữ an ninh cho thượng cấp.” Tổng Thống Thiệu nói: “Thôi khỏi, anh Trung Tá về đơn vị đi.”

Một ngày sau buổi họp của thượng cấp tại Tòa Bạch Cung Phương Đông, BCH5TV được lệnh xuất kho tất cả vỉ nhôm (không có lỗ) và vỉ sắt (PSP-có lỗ) cho Công Binh Chiến Đấu, do dích thân Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Chức, Cục Trưởng Cục Công Binh điều động và chỉ huy. Hai ngày sau, ngày 17 tháng 3 năm 1975, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II từ Thành Pleime cùng toàn bộ các đại đơn vị trực thuộc rút lui trên Liên Tỉnh Lộ 7 B để về Tuy Hòa, Phú Yên. Đoàn quân -dân đi ngang qua tỉnh Phú Bổn và quân-dân tỉnh Phú Bổn kéo theo. Từ cuộc rút quân này, nội dung buổi họp hé mở cho biết Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II rời bỏ Pleiku vể miền duyên hải.

Trong bài “ Từ Ban Mê Thuột đến cuộc triệt thoái Cao Nguyên”, có đoạn: (trích nguyên văn) “Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nổi giận trút tất cả trách nhiệm lên Tướng Phú, TT Thiệu xác nhận không có ra lệnh di tản cho Tướng Phú. Sau đó TT Thiệu lại nói rằng đáng lẽ ra vị Tư Lệnh Quân Đoàn II phải chuẩn bị cuộc rút lui chu đáo hơn.” (hết trích) Tuy nhiên, ở một đoạn trên , lại viết: (trích nguyên văn) “Sau đó TT Thiệu nói với Tướng Phú về chiến lược mới “đầu teo đít to” của mình và ra lệnh cho Tướng Phú: 1, rút các đơn vị chủ lực mà thôi ra khỏi Kontum và Pleiku và di chuyển tất cả về vùng bờ biển để phối trí lại một lực lượng tái chiếm Ban Mê Thuột; “hết trích)

Chỉ với hai đoạn văn trên, đã nói lên dã tâm của những tác giả hai quyển sách kể trên.

Thứ nhất, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú di tản Quân Đoàn II từ Thành Pleime, bỏ các tỉnh cao nguyên về vùng duyên hải, sau đó, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lại chối bỏ trách nhiệm, xác nhận “không có ra lệnh di tản cho Tướng Phú.” Thứ hai, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú là một quân nhân cấp Tướng vô kỷ luật, tự ý rút lui Quân Đoàn II về vùng duyên hải. Nếu thật vậy, Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng; Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu đều đồng ý với việc rời bỏ vùng cao nguyên của Thiếu Tướng Phạm Văn Phú và ra lệnh cho BCH5TV xuất kho vỉ nhôm và vỉ sắt (PSP) cho Tướng Chức để làm cầu vượt Sông Ba?

Thực ra, Quân Lực VNCH là một quân lực non trẻ, ra đời chỉ trong vòng 21 năm, vừa phải xây dựng vừa phải chiến đấu với giặc ngoài tiền tuyến, trong khi đó, ở hậu phương những tổ chức thiên tả, phản chiến, biểu tình, xuống đường đòi quyền sống liên miên, bất tận. Quân Lực VNCH là một quân lực cùng chịu khổ nạn của dân tộc, nhưng lại là một quân lực tuyệt đối có kỷ luật. Các cấp chỉ huy ngoài chiến trường, nhiều khi ra những mệnh lệnh nghiêm khắc, khó khăn “bằng mọi giá’ phải chiếm đỉnh đồi, phải chiếm mục tiêu, phải nhổ chốt, phải đi đằng sau cho đoàn quân di tản... với cái giá là hy sinh tính mạng và người lính mọi cấp tuân lệnh thi hành, coi sự tử sinh là chuyện phải có của đời lính. Một thí dụ điển hình của sự tuân thượng lệnh và kỷ luật. Tổng Thống Dương Văn Minh, chỉ nhậm chức tổng thống hai ngày vì lý do chính trị (không do dân bầu) đã ra lệnh cho Quân Lực VNCH buông súng, ngưng chiến đấu. Thi hành lệnh trong uất nghẹn, quân Lực VNCH đã không chiến đấu, Một số Tướng Lãnh, Sĩ Quan và quân nhân Chủ Lực, Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Lực Lượng Bán Quân Sự đã tuẫn tiết trước, trong và sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Khi có lệnh lui binh, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú Đã đặt bản doanh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II (BTL/QĐ II) tại Grand Hotel, một Hotel nguy nga, đồ sộ tọa lạc ngay đầu ngã ba đường Lê Thánh Tôn và đường Duy Tân; mặt tiền trông ra bãi biển, tọa lạc về bên phải của đại lộ Duy Tân, chạy dọc theo bờ biển nổi tiếng của thành phố Nha Trang. Bên cạnh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II (Grand Hotel), về bên phải, từ trong trông ra biển là một biệt thự rộng lớn, có sân rộng đủ dùng làm bãi đáp trực thăng (H) , đó là tư dinh của vị Tư Lệnh Quân Đoàn II. Trong thời gian Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II còn tồn tại, Đại Tá Mai Duy Thưởng, Chỉ Huy Trưởng BCH5TV đã đặt Bộ Chỉ Huy Hành Quân Nhẹ của BCH5TV làm việc tại BTL/QĐ II và đích thân Đại Tá Thưởng làm việc hàng ngày tại đó. Trong thời gian này, Đại Tá Thưởng chỉ thị cho Trung Tá Nguyễn Đình An, Trưởng Phòng Kế Hoạch & Thống Kê cho tôi (Trung Úy Bùi Quốc Hùng, Trưởng Ban Thống Kê kiêm Sĩ Quan Hành Quân của BCH Nhẹ Yểm Trợ Hành Quân) ra làm việc bên cạnh ông tại BTL/QĐ II. Trong phần kết, của bài “ Từ Ban Mê Thuột đến cuộc triệt thoái Cao Nguyên”, có đoạn viết: (trích nguyên văn) “ Tướng Phú thiết lập tổng hành dinh mới tại Nha Trang, trong khu vực Tòa Tỉnh Trưởng Khánh Hòa. Sáng sớm ngày 1 tháng 4, không thông báo Tướng Phú, vị tỉnh trưởng ra lệnh cho nhân viên đóng cửa tất cả các phòng sở của họ. Lúc đầu, Tướng Phú không nhận thấy sự ra đi của các công chức và dân chính. Đến khoảng giữa trưa, Tướng Phú bất thần chạy khắp các tầng lầu do những sĩ quan của ông chiếm ngụ và hô lớn: “Chuồn ngay!” Hốt hoảng, ông cho gọi viên phi công trực thăng cá nhân và nói: “Chúng ta đi thôi!” Và ông bay đi luôn. Thành phố Nha Trang lúc đó còn im lìm trong giấc ngủ trưa. Nổi giận, TT Thiệu ra lệnh bắt giam Tướng Phú tại gia ở Sài Gòn.” (hết trích) Tôi không biết tác giả Tôn Quang Tuấn dịch từ quyển sách nào trong số hai quyển sách ông nêu trên nhưng tôi xác nhận rằng đoạn văn trên là một đoạn văn hư cấu nếu không thì cũng là sự thiếu hiểu biết về hoàn cảnh, tình hình lúc đó tại thành phố Nha Trang và tồi tệ hơn nữa là sự thiếu hiểu biết về quân sự của những tác giả ngồi viết trong tháp ngà hoặc những nơi an toàn xa xôi viết về những sự việc mà họ không can dự.

Thứ nhất: Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II không đặt bản doanh trong “khu vực Tòa Tỉnh Trưởng Khánh Hòa”. Đã không đặt bản doanh Bộ Tư Lệnh QĐ II thì làm sao Tướng Phú “nhận thấy sự ra đi của các công chức và dân chính.

Thứ hai: sau đó, “Tướng Phú bất thần chạy khắp các tầng lầu do những sĩ quan của ông chiếm ngụ và hô lớn: “Chuồn ngay!” Hốt hoảng, ông cho gọi viên phi công trực thăng cá nhân và nói: “Chúng ta đi thôi!” Và ông bay đi luôn.”

Trong cuộc chiến tranh kéo dài 21 năm, đây là lần đầu tiên trên giấy trắng, mực đen tôi đọc thấy hai chữ “Chuồn ngay!” gắn cho một ông Tướng nói với thuộc cấp. Tôi thiển nghĩ, không một cấp chỉ huy nào từ cấp tiểu đội trưởng trở lên, khi ra lệnh cho thuộc cấp lại dùng hai chữ thậm từ như vậy, bởi vì sau đó, còn gì là danh dự và tư cách để chỉ huy ai nữa; nhưng mà ai là người chứng kiến, nghe Tướng Phú nói với thuộc cấp như thế? Trong thuật ngữ quân sự và trong các quân trường huấn luyện Hạ Sĩ Quan và Sĩ Quan, không có thuật ngữ ‘Chuồn ngay’ do đó, hai chữ này xa lạ với quân đội. Mặt khác, khi cần sử dụng trực thăng, Tướng Phú “hốt hoảng, ông cho gọi viên phi công trực thăng cá nhân...” Không! Thiếu Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn II không cần cho gọi phi công trực thăng vì phi hành đoàn biệt phái luôn luôn túc trực với tàu như bóng với hình. Phi công và phi hành đoàn không theo kè kè bên cấp chỉ huy và cũng không xa tàu để cấp chỉ huy phải gọi. Khi ông Tướng muốn bay thị sát mặt trận, bay đến một tiểu khu, một đơn vị thuộc quyền Ông Tướng và sĩ quan tùy viên ra bãi đáp trực thăng, lên tàu ra lệnh bay rồi máy bay cất cánh .

Trích nguyên văn: “Chúng ta đi thôi!” Và ông bay đi luôn. Thành phố Nha Trang lúc đó còn im lìm trong giấc ngủ trưa. Nổi giận, TT Thiệu ra lệnh bắt giam Tướng Phú tại gia ở Sài Gòn.” (hết trích)

Ở đây, tôi xin trích dẫn một đoạn hồi ký quân đội thuật lại “Những Ngày Cuối Cùng Ở BCH5TV” của Bùi Quốc Hùng:

Nha Trang-Cam Ranh Bay, Thứ Hai, ngày 31 tháng 3 năm 1975 Đứng dưới chân Phật đài Nha Trang bên cạnh trạm kiểm soát phía Nam, tôi bồn chồn lo lắng đón xe vào BCH5TV đồn trú trong bán đảo Cam Ranh. Đáng lẽ tôi đi bộ ghé qua nhà Thiếu Tá Nguyễn Văn Khánh (2) Phó Trưởng Phòng Kế Hoạch –Thống Kê, chỉ cách nhà cha mẹ vợ tôi vài căn, để cùng đi chung như thường lệ mỗi khi chúng tôi từ đơn vị về Nha Trang, nhưng hôm nay tôi muốn vào BCH sớm nên nhờ tiện nội chở xe gắn máy đưa thẳng ra đây. Thành phố Nha Trang vào thời gian này thực sự là một thành phố chuẩn bị chiến tranh, ồn ào náo nhiệt suốt ngày đêm vì bị ảnh hưởng bởi các trận đánh đẫm máu giữa QLVNCH và quân Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) tại chiến trường Ban Mê Thuột khởi diễn rạng sáng ngày 10/3/1975, rồi trận chiến lan đến Chi Khu Phước An, Daklak và Chi Khu Khánh Dương, Khánh Hòa.

Đó đây diễn ra các cuộc chuyển quân rầm rộ hướng lên mặt trận Khánh Dương để chặn đánh Cộng quân không cho chúng tiến về duyên hải như Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù (LĐ3Dù) từ chiến trường Đà Nẵng di chuyển bằng đường biển về cảng Nha Trang, rồi dùng đường bộ di chuyển lên Khánh Dương; các đơn vị thiết giáp, các tiểu đoàn địa phương thiện chiến nhất của hai tiểu khu Bình Thuận (Phan Thiết) và Ninh Thuận (Phan Rang) cũng được tăng phái cho mặt trận Khánh Dương, di chuyển bằng đường bộ theo trục Nam- Bắc Quốc lộ 1, Phan Thiết-Phan Rang- Nha Trang và sử dụng Quốc lộ 21 Nha Trang-Khánh Dương. Bên cạnh đó là dòng người vô tận và xe cộ đủ mọi loại như: xe đạp, xe gắn máy, xe lambretta, xe đò chở khách, xe vận tải, xe nhà, xe nhà binh chất đầy ứ người, gia tài tế nhuyễn, đồ đạc vật dụng mang theo từ Ban Mê Thuột, Pleiku, Phú Bổn đổ xuống, từ Bình Định, Phú Yên đổ vào. Tất cả đều hối hả, tất bật, thảng thốt, lo âu, mệt mỏi và rã rời trên cuộc hành trình đi về chính nghĩa nhưng đầy bất trắc, gian nguy và khổ ải; đành cam bỏ lại nơi chôn rau cắt rốn, miếu đường của tổ tiên, thôn xóm, làng mạc, nhà cửa, ruộng vườn chắt chiu gây dựng từ bao đời để đi tìm miền đất sống tự do, an bình dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) với những người lính VNCH “Bảo Quốc An Dân”. Đây chính là một sự tuyên dương tinh thần và và lập trường quốc gia kiên định của người dân miền Nam không chấp nhận sống dưới chế độ cộng sản tàn bạo, phi nhân.” Ngay từ ngày 31 tháng 3 năm 1975, thành phố Nha Trang đã ở vào tình hình như thế; vậy mà người ta viết “Thành phố Nha Trang lúc đó còn im lìm trong giấc ngủ trưa.” Một đoạn văn khác trong hồi ký nêu trên, trích:

“Trời tối hẳn. Mặt trời đã lặn hoàn toàn ở phía tây, bên kia quốc lộ 1. Tôi không thể suy nghĩ gì thêm ngoài những diễn biến đầy bất ngờ trong hoàn cảnh ‘rắn mất đầu’ như thế này. Chuông điện thoại reo, tôi cầm máy.

- A lô! Trung Úy Hùng tôi nghe. - A lô! Hùng hả? Công đây! Nghe rõ không? Tình hình BCH thế nào? - Không có chi Công ơi! Ngoài đó ra sao? Sao chưa vô BCH? Mặt trận Khánh Dương ra sao?

- Bây giờ là gần 8 giờ, BTL/QĐ bỏ đi hết rồi, không còn ai ngoài ‘Moi’, trực thăng của Ông Tướng vừa cất cánh bên tư dinh. ‘Moi’ đang cầm cây Carbin đây.
- Công (tôi la lên thất thanh, sợ bạn tôi quẫn trí). -‘Moi’ thấy còn chiếc xe Jeep gắn sao dưới sân, ‘Moi’ chạy xuống lầu lái xe ra phố đây. Thôi nghe.”Có tiếng ống liên hợp dằn mạnh xuống.

Tôi nhìn đồng hồ tay: 8 giờ tối ngày 1-4-1975. Tôi không thể ngờ được rằng đây là cuộc điện đàm cuối cùng của bạn tôi, Trung Úy Nguyễn Quốc Công. (hết trích) Thiếu Tướng Phạm Văn Phú rời BTL/QĐ II (Grand Hotel) ở Nha Trang kể từ lúc đó. Thời gian lạnh lùng trôi qua và tôi vẫn sống trong hoài niệm. Năm 1992, tôi cùng con gái ra Nha Trang thăm quê ngoại của cháu. Nhân dịp này, tôi ghé thăm Trung Úy Đặng Hữu Nguyên, cùng làm việc và rất thân thiết với Trung Úy Nguyễn Quốc Công ở Phòng Tiếp Liệu & Bảo Toàn BCH5TV. Lúc này, Nguyên là ông chủ một tiệm bánh ngọt ở Nha Trang. Gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách, chúng tôi vui mừng vô cùng.

Tôi hỏi Nguyên :“Công đâu? Bây giờ ra sao?” Mặt Nguyên sa sầm xuống, buồn bã. Nguyên kể: “Công lái xe Jeep có gắn sao của Tướng Tư Lệnh từ Grand Hotel định vô Cam Ranh, đến đường Độc Lập thì bị VC sát hại. Chiếc xe cũng bể bánh, nằm lại. Hai ngày sau, ngày 3 tháng 4, thi hài của Công và những nạn nhân khác được đem ra vùi lấp dưới chân Đèo Rù Rì.”

Sau 8 giờ tối ngày 1 tháng 4 năm 1975, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, không còn binh quyền và Quân Đoàn II không còn nữa; đồng thời, đó cũng là định mệnh của Trung Úy Nguyễn Quốc Công, người cựu sinh viên của Khoa Học Đại Học Đường Sài Gòn. Nguyên cho tôi biết thêm, Thiếu Tá Nguyễn Văn Lá, Trưởng Phòng Chuyển Vận và Thiếu Tá Hưng, Phó Trưởng Phòng Phát Triển Căn Cứ/BCH5TV sau khi Nha Trang mất, cả hai đi cải tạo tập trung rồi được thả về nhà; hai ông đã tổ chức Sư Đoàn Phục Quốc và bị bắt lại. Hai ông bị xử ở tù trên 15 năm và sau đó lại được cho về. Tôi nghe như vậy liền đến thăm ông Hưng.

Đoạn kết của bài “Từ Ban Mê Thuột đến cuộc triệt thoái Cao Nguyên” viết (trích nguyên văn): “Tướng Phú uống thuốc tự tử tại nhà riêng ở đường Gia Long (ông mắc chứng lao phổi kinh niên) và từ trần tại bệnh viện Đồn Đất chiều ngày 30.4.1975. Cái chết của ông không được nhắc nhở cùng chung với sự tuẫn tiết hào hùng của các vị Tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai và Lê Nguyên Vỹ... Nhưng những cái chết khác của các sĩ quan và binh sĩ Trung Đoàn 53 bộ Binh không có cấp chỉ huy, và của các chiến sĩ BĐQ bỏ mạng dọc theo con đường lộ máu 7B để lót đường cho các ông tướng của mình ra đi an toàn đã ít bài viết được nhắc tới. (hết trích)

Viết về sự qua đời của Thiếu Tướng Phạm Văn Phú trong ngày 30 tháng 4 năm 1975 là quá đủ sao lại còn cần phải mở ngoặc đơn (ông mắc chứng lao phổi kinh niên); vậy hai tác giả hai quyển sách và dịch giả có chủ ý gì? Hiểu biết về y học tối thiểu, ai cũng biết lao phổi là một bệnh truyền nhiễm, bệnh nhân cần phải được chữa trị và ngăn cách với người không bị bệnh; vậy mà Tướng Phú bị bệnh ‘lao phổi kinh niên’ mà thượng cấp vẫn để Ông giữ chức vụ tư lệnh một quân đoàn, vẫn làm việc hàng ngày với thuộc cấp? “... ông không được nhắc nhở chung với sự tuẫn tiết hào hùng của các vị Tướng Tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai và Lê Nguyên Vỹ...’ nhưng Thiếu Tướng Phạm Văn Phú là một trong Ngũ Hổ Tướng và Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn (bị xử bắn) và Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long (tự sát dưới chân tượng đài Chiến Sĩ TQLC ngay giữa trung tâm Sài Gòn) được vinh danh trong lịch sử và bất tử trong dòng sử xanh của VNCH.

Hai quyển sách kể trên, quyển “Cruel Avril” (Editions Robert Laffont, Paris, 1987) của Olivier Todd và “Vietnam at War” (Sedgwick & Jackson Publishers, London, 1989 của Lt.General Philip B. Davidson, US Army (ret.) được lần lượt xuất bản trong các năm 1987 và 1989, nghĩa là 12 năm và 14 năm sau cuộc chiến tranh chấm dứt, và 48 năm sau, dịch giả Tôn Quang Tuấn “...trích dẫn những dòng trong sách để thẩm định lại thời điểm đó.”

Ai có đủ thẩm quyền và đủ tư cách “để thẩm định lại thời điểm đó.”? Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Tư Lệnh Quân Lực VNCH, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II đều đã qua đời và đã là những nhân vật của lịch sử.

May chăng là còn những người biết chuyện, họ lên tiếng cho một sự thật để lương tâm không cắn rứt và hơn nữa, nếu ta biết mà không nói thì ai nói thay ta?
Bùi Quốc Hùng- Một người lính ở BCH5TV.

 Bùi Quốc Hùng

 

 

 

 

 

Số trang đã đọc

Articles View Hits
917915

Số độc giả đang đọc

We have 64 guests and no members online