• Sydney: Tưởng Niệm Ngày 30 tháng Tư năm 2023

  • Melbourne: Viện Bảo Tàng Việt Nam Tái Khởi Công ngày 26-02-2022

  • Sydney: Lễ Tưởng niệm Thiếu Tướng Lê Minh Đảo ngày 19-03-2022

  • Wollongong: Diễn hành Ngày ANZAC - 25-04-2022

  • Sydney: Tưởng Niệm Ngày 30 tháng Tư năm 2022

  • Ngày Quân Lực 19/06/2019 ở San Diego

  • Canberra: 44 năm Quốc Hận - 30/04/2019

  • Canberra: 44 năm Quốc Hận - 30/04/2019

Copyright 2024 - Người Việt Ly Hương - Úc Châu

Tuần Lễ Tỵ Nạn Quốc Tế 2019

Tại Úc Tuần Lễ Tỵ Nạn là một trong những sinh hoạt hàng năm nhằm giúp cho người dân có được sự hiểu biết và cảm  thông những tình cảnh đáng thương của người tỵ nạn đồng thời đón mừng, ca ngợi những sự thành công và đóng góp tích  cực của người tỵ nạn cho xã hội Úc.

Để tạo sự thuận tiện, dễ dàng cho đồng bào đến tham dự, hai buổi lễ đã được tổ chức, một ở vùng Springvale (Miền  Đông Melbourne) và môt ở vùng Footscray (Miền Tây Melbourne). Cả hai buổi lễ đều do các bạn trẻ thuộc Khóa Lãnh Đạo  Hai Nguồn Gốc đứng ra tổ chức với sự hỗ trợ/cộng tác/phối hợp của Hiệp Hội Tương Trợ Người Đông Dương Springvale –  SICMAA, Hội Thương Gia Á Châu Footscray - FABA và CĐNVTD/VIC.

Buổi lễ tại Springvale Town Hall, Springvale, 22/06/2019

Khai mạc buổi lễ, cô Phượng Vỹ (Chủ Tịch CĐNVTD/VIC) ngỏ lời chào mừng đồng bào, các quan khách và cho rằng đây là  buổi lễ để chúng ta tưởng niệm, vinh danh [những người ra đi nhưng không bao giờ đến], và bày tỏ lòng trân quý đối  với những điều may mắn mà chúng ta có được ngày hôm nay bằng sự cố gắng đóng góp, tham gia vào các sinh hoạt xã hội  mỗi ngày một mạnh mẽ hơn.

Tiếp theo là phần phát biểu của anh Andrew Đỗ (PCT CĐNVTD/VIC), Nghị Sĩ Kiều Tiến Dũng, Dân Biểu Neil Angus, Nghị  Viên Trương Lợi, ông Nguyễn văn Bon (Chủ Tịch CĐNVTD Liên Bang Úc Châu), ông Nguyễn Thế Phong (PCT CĐNVTD/VIC) và cô  Casey Dương (Thành viên Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc).

Anh Andrew Đỗ, trong lời phát biểu, đã có nhận xét - "... Chúng ta không chỉ là một cộng đồng của những người tỵ nạn  mà chúng ta còn là những người được hưởng lòng bao dung và lòng rộng lượng của một đất nước đa văn hóa ... Bổn phận  của chúng ta giờ đây không những chỉ là một phần tử của cộng đồng, là một người tỵ nạn trong quá khứ, là con cháu  của người tỵ nạn, là công dân Úc mà chúng ta còn phải duy trì sự đón nhận và lòng rộng lượng cho tất cả mọi người  thuộc mọi nền văn hóa. Và Andrew đã kêu gọi "chúng ta cùng chung vai sát cánh ... để giúp những người cần giúp đỡ  nhất như cha mẹ chúng ta nhiều năm trước đây".

Nghị Sĩ Kiều Tiến Dũng (đại diện cho ông Richard Wynne, Bộ Trưởng Bộ Đa Văn Hóa) nói rằng - Đây là một dịp để chúng  ta ghi nhận và chúc mừng những sự đóng góp của người tỵ nạn mà trong đó có cộng đồng người Việt. Ông Dũng xin ghi  nhận hai sự đóng góp đáng kể của CĐNVTD/VIC - Chương Trình Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc và Dự Án Viện Bảo Tàng. Ông  Dũng cho biết những chính phủ trong quá khứ cũng như hiện tại đã có những chính sách giúp đỡ các cộng đồng sắc tộc  và ông đã nhắc đến sự hỗ trợ của của chính phủ tiểu bang, Daniel Andrews, với con số $4 450 000.00 cho dự án Viện  Bảo Tàng.

Dân Biểu Neil Angus đã nhắc đến một sự kiện lịch sử - Chiếc tàu vượt biển đầu tiên đến Úc (hải cảng Darwin) vào ngày  26/04/1976, đã trên 43 năm qua. Ông nói tiếp - Những người Việt tỵ nạn thoát khỏi Việt Nam mang theo nghị lực, sự  kiên trì và quyết tâm đi đến thành công. Bản tính cần cù, siêng năng của người Việt đã mang đến những thành đạt,  những đóng góp cho xã hội làm thay đổi bộ mặt của tiểu bang Victoria và đất nước Úc. Đa số người dân Úc Châu không  biết được về sự ngược đãi, đàn áp, tra tấn, giết chóc mà người dân Việt phải hứng chịu dưới chế độ CSVN tại quê nhà  và người dân Úc cũng không biết được rằng hàng ngàn người trong số trên 2 triệu người rời bỏ Việt Nam đã không bao  giờ đến được bến bờ tự do vì chìm tàu, đói khát, bảo tố, hải tặc ... Trong buổi lễ hôm nay chúng ta hãy lắng đọng để  nghĩ đến tất cả những người kém may mắn ấy.

Nghị Viên Trương Lợi (đại diện cho bà thị trưởng Roz Blades, Thành phố Greater Dandenong) xin ghi nhân các thành tựu  và đóng góp của những người tỵ nạn cho Thành phố Greater Dandenong là một thành phố có tính chất đa văn hóa nhất Úc  Châu với cư dân có 157 nguồn gốc khác nhau, nói trên 200 thứ ngôn ngữ và có hơn 100 tôn giáo. Sau đó ông xin chia sẻ  một vài mẩu chuyện của cá nhân ông - Trốn khỏi Việt Nam vào ngày 09/09/1981, đến được Hồng Kông ngày 14/11/1981 sau  67 ngày đêm lênh đênh trên biển cả, và đã được đi Úc định cự sau 1 năm rưởi ở trại Hồng Kông. Cũng như bao người tỵ  nạn chân ướt chân ráo mới đặt chân đến một đất nước có một nền văn hóa, đời sống hoàn toàn xa lạ, trải qua nhiều  chuyện ngớ ngẫn, ông xin kể lại một mẩu chuyện vui như sau - ông đưa vợ ra trạm tàu điện (tram) để đi khám thai,  trong lúc chờ đợi, ông và vợ ông không dám đứng một chổ mà phải đi tới đi lui. Cuối cùng mệt quá, vợ ông ngồi bệt  xuống đất còn ông thì vẫn tiếp tục tới lui - lý do: vì có một tấm bảng ghi là "NO STANDING ANYTIME"!

Ông Nguyễn văn Bon chia sẻ - Ông cũng là một người tỵ nạn, là một trong số 11 000 người đã được tàu Cap Anamur của  TS Rupert Neudeck cứu sống và con thuyền của ông đã được cấp cho một số hiệu 75/642, có nghĩa là thuyền của ông có  75 người trên tổng số 642 thuyền nhân được cứu vớt trong chuyến hải hành của Cap Anamur vào thời gian ấy. Được đi Úc  định cư, ông bày tỏ lòng biết ơn đối với sự giúp đở của chính quyền các cấp ... Ông cảm thấy rất đau lòng khi cuộc  khủng hoảng về người tỵ nạn trên thế giới hiện nay là 70.8 triệu người (gấp 3 lần dân số của Úc) và cho mãi đến ngày  hôm nay vẫn còn có những người Việt đi xin tỵ nạn ... Câu hỏi ông Bon đặt ra là tai sao chúng ta (chính phủ Úc)  không ban ân xá một lần một (Why can't we grant a one off amnesty) cho những người đang xin quy chế tỵ nạn tại Úc?  ... Rồi ông Bon đã nêu lên một sự kiện đáng suy ngẫm - Trong thời chiến tranh không có một người Việt nào ra nước  ngoài để xin tỵ nạn mà chỉ rời bỏ, trốn khỏi Việt Nam sau khi chiến tranh đã chấm dứt (30/04/1975). Và ông cho rằng  - Nếu các nước tự do trên thế giới không cứng rắn đối các nước độc tài, cộng sản thì tình trạng tỵ nạn sẽ vẫn còn  kéo dài mãi ... Sau cùng ông Bon kêu gọi - Chúng ta là những công dân sống trên một đất nước tự do tôn trọng những  giá trị nhân bản cho nên chúng ta cần phải hành động như là một người công dân Úc có trách nhiệm.

Trong buổi lễ, TS Rupert Neudeck, sáng lập viên của tổ chức cứu trợ nhân đạo Cap Anamur, đã được vinh danh như là  một vị ân nhân tiêu biểu cho tất cả những người đã ra tay cứu giúp người Việt tỵ nạn như cố TT Malcolm Fraser. Và để  bày tỏ lòng tri ân đến với TS Rupert Neudeck, ông Nguyễn Thế Phong đã bày tỏ lòng tôn kính TS như là một vị  "Schindler" và đã nhắc đến giai thoại về một nhà báo nói với TS về việc cứu giúp người Việt trên biển Đông chỉ như  là những giọt nước trong đại dương, và đã được TS Rupert Neudeck khẳng khái trả lời rằng ông không nghĩ là 11 000  thuyền nhân được cứu vớt là những giọt nước mà là 11 000 con người. Sau cùng, như một lời khấn nguyện ông Phong nói  - Đêm hôm nay chúng ta xin tạ ơn trời đất đã đưa đến cho chúng ta những con người kỳ diệu trong những giờ phút đen  tối nhất của nhân loại và cũng là giờ phút sáng chói nhất của những tấm lòng vĩ đại.

Cô Casey Dương (Thành viên Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc) bày tỏ cảm tưởng - Cô may mắn được sinh ra trên đất nước Úc  và rất hãnh diện có nguồn gốc là người Việt tỵ nạn cho nên cô nhận thấy sự bảo vệ và đấu tranh cho những giá trị tự  do, dân chủ cũng như việc truyền lại cho các thế hệ mai sau những câu chuyện về đời tỵ nạn là một điều rất quan  trọng. Nhờ tham gia vào Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc mà Casey đã thấy được những sự đóng góp lớn lao của cộng đồng  người Việt cho xã hội Úc. Và cũng nhờ đó mà các người bạn trẻ như Casey đã được trang bị những kiến thức giúp các  bạn thực hiện những hoài bảo và đền đáp lại cho thế hệ cha ông và đất nước Úc. Cô Casey bày tỏ lòng tri ân đến với  những sự hy sinh của các bậc sanh thành, các thế hệ đi trước đã tạo dựng một nên tảng vững chắc cho tương lai các  con em, những sự hy sinh ấy không phải chỉ được nhắc đến trong ngày lễ tỵ nạn mà là mỗi ngày trong suốt cuộc đời.

Chương trình buổi lễ được hai MC khôi ngô, tuấn tú Vinnie Ngô và Bùi Xuân Cường (Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc) hướng  dẫn rất thành thạo, và được xen kẻ với vũ khúc "Chiều Làng Em" tượng trưng cho sự thanh bình ở làng quê Việt Nam  trước chiến tranh, màn hoạt cảnh "Đêm Chôn Dầu Vượt Biển" nói lên nổi khổ đau chia lỵ và sự sợ hải trên đường trốn  chạy khỏi chế độ CS. Cả hai màn vũ đều được đạo diễn bởi cựu thành viên Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc, Hiếu Huỳnh. Và  màn sau cùng là vũ điệu Pop "Spring Day", tượng trưng cho cuộc sống bình yên, vui nhộn, hài hòa của một xã hội đa  văn hóa Úc Châu, do nhóm múa Dynasty (Khóa Lănh Đạo Hai Nguồn Gốc 2019) trình diễn. Sự đóng góp vào những dịp như  thế này giúp cho các bạn trẻ thuộc Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc hiểu nhiều hơn về lịch sử người Việt tỵ nạn, về những  gì mà cha mẹ, ông bà đã phải trải qua.

Sau buổi lễ chính thức là một "Buổi văn nghệ giúp chúng ta ôn lại quảng đường vượt biên gian khổ, tri ân những người  đã cứu giúp chúng ta đến được bến bờ tự do, cám ơn nước Úc đã cưu mang chúng ta và nhắc nhở chúng ta hãy cố gắng làm  một cái gì đó để giúp cho những người kém may mắn" - đó là lời bày tỏ cảm nghĩ của bà Bé Hà (Chủ Tịch Hiệp Hội Tương  trợ Người Đông Dương Springvale - SICMAA) về buổi văn nghệ đặc biệt đêm nay.

Buổi văn nghệ được các MC Đinh Hiếu, Thiên An và Bích Cầm mở đầu bằng một lời dẫn thật sâu sắc - "... Chúng ta quy  tụ nơi đây, hôm nay để tưởng nhớ lại một giai đoạn mà chúng ta cũng là người tỵ nạn. Chúng ta đã ngậm ngùi bỏ nước  ra đi để có được tự do. Chúng ta không thể nào sống được dưới gông cùm của chế độ CS. Chúng ta dẫu có phải đau lòng  mang đời di cư nhưng chúng ta vẫn phải ngậm ngùi bước đi. Vâng chúng ta may mắn đến được nước Úc, một đất nước của  tự do và đầy tình người. Sau bao nhiêu năm tháng cố gắng, giờ đây chúng ta mới có được một cuộc sống ổn định. Hội  nhập và hòa mình vào xã hội mới nhưng mang thân phận là những người con Việt lưu vong. Chúng ta không thể nào quên  được quê hương cội nguồn và lại càng không thể quên được những bất hạnh mà chúng ta đã phải trải qua. Chúng ta nhớ  để nhắc nhở cho thế hệ trẻ hôm nay. Những may mắn chúng ta đã có được hôm nay là nhờ những hy sinh của biết bao  nhiêu chiến sĩ VNCH và của quân đôi đồng minh để bảo vệ Miền Nam Việt Nam. Chúng ta, nhất là thế hệ trẻ ở Úc, hãy cố  gắng đóng góp cho nước Úc và cùng cố gắng giúp đỡ cho quê hương Việt Nam của chúng ta."

Một buổi văn nghệ thật đặc sắc, đầy ý nghĩa với sự đóng góp của các bạn trẻ, nhóm hợp ca Hội Phụ Nữ CĐNVTD/VIC, nhóm  múa Thiên An và các ca nghệ sĩ địa phương (Hoàng Trang, Nghiêm Lệ, Thu Hằng, Hoàng Hiệp, Quý Linh) qua các ca khúc,  vũ khúc có nội dung nói về đời người tỵ nạn do cô Thiên Giang sắp xếp, tổ chức.

Đối với ông Nguyễn Thế Phong thì buổi văn nghệ đêm hôm nay đã làm sống lại những cảm xúc của đời người tỵ nạn, và ca  khúc cuối cùng "Việt Nam Ơi" như một lời nhắc nhở rằng chúng ta không được phép quên những người đã nằm xuống, và  hãy tiếp tục gìn giữ và hãnh diện về cái căn cước tỵ nạn.

Buổi lễ tại Tượng Đài Thuyền Nhân, Jensen Reserve, Footscray, 23/06/2019

Tuy đây là lần đầu làm MC nhưng Tiến Trương, một người bạn trẻ (Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc), đã tỏ ra rất mạnh dạn,  rất dễ thương và thật đáng ca ngợi khi thành thật nói rằng - "Con không nói được tiếng Việt giỏi lắm, xin quý vị  thông cảm cho con, con sẽ cố gắng hết sức".

Sau khi ngỏ lời chào đón đồng bào và các quan khách, Tiến Trương chia sẻ - Có nguồn gốc là người Việt tỵ nạn cho nên  lúc nhỏ Tiến đã gặp phải những sự lúng túng, khó khăn khi muốn hòa mình vào xã hội Úc và luôn tìm cách tránh xa cái  căn cước của mình. Nhưng từ khi tham gia Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc Tiến đã tỏ ra trân trọng và có những sự hiểu  biết sâu xa về di sản văn hóa, truyền thống Việt Nam, về những sự hy sinh của cha mẹ, ông bà. Và bây giờ Tiến tỏ rất  hãnh diện về nguồn gốc của mình - một người Úc gốc Việt.

Cô Celia Trần (PT PCT Ngoại Vụ CĐNVTD/VIC) thiết tha dàn trải tâm tư của một người thuộc thế hệ trẻ - "... Tuần lễ  này khuyến khích chúng ta chia sẻ những câu chuyện, ... Do vậy, chúng ta phải tiếp tục kể về những câu chuyện của  người tỵ nạn. Chúng tôi những người thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba, xin ông bà, cha mẹ hãy kể cho chúng tôi nghe về  những câu chuyện vượt biên của họ. Chúng tôi rất muốn được nghe những câu chuyện đó, vì điều đó rất quan trọng đối  với chúng tôi trong việc bảo tồn văn hóa và hiểu được những hy sinh của cha ông, cùng những câu chuyện về đất nước  Việt Nam để truyền đạt cho thế hệ mai sau ..." (xin đọc trọn bài phát biểu của cô Celia Trần đính kèm bên dưới)

Bà Dân Biểu Katie Hall đã không ngần ngại ca ngợi Chương Trình Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc khi nhìn thấy những sự  đóng góp, những lời nói nhiệt thành của các bạn trẻ. Bà cảm nhận được nổi kinh hoàng của người Việt tỵ nan qua các  câu chuyện kể của những người vượt biên và cảm phục lòng kiên trì, sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để  làm lại cuộc đời và đóng góp cho xã hội. Bà cho rằng với dự án Viện Bảo Tàng cộng đồng người Việt có thể bảo tồn,  chia sẽ nền văn hóa truyền thống và lịch sử người Việt tỵ nạn với cộng đồng Úc Châu và thế giới.

Dân Biểu Bernie Finn cho rằng - Hôm nay là một ngày lễ trang nghiêm, nhưng cũng là một ngày mà chúng ta phải vui  mừng với những gì mà chúng ta may mắn có được ngày hôm nay. Vì sau ngày 30/04/1975, các chính phủ Úc trước đây không  chấp nhận người Việt tỵ nạn cho mãi đến thời của cố TT Malcolm Fraser. Mở rộng cửa và mở rộng vòng tay đón nhận  người tỵ nạn là một quyết địng sáng suốt, tốt đẹp cho người Việt và cho đất nước Úc. Vì sau hơn 44 năm cộng đồng  người Việt đã có những đóng góp to lớn cho xã hội Úc. Và ông đã lập lại - Vâng, ngày hôm nay chúng ta nhớ về quá  khứ, tưởng niệm những người đã hy sinh nhưng đồng thời chúng ta cũng phải vui mừng với những thành tựu, đóng góp của  cộng đồng người Việt cho đất nước Úc.

Ông Martin Zakharov, Thị Trưởng thành phố Maribyrnong, ghi nhận những sự khó khăn, kỳ thị mà người Việt tỵ nạn đã  phải trải qua lúc ban đầu. Có cư dân đến từ 135 quốc gia, ngày nay thành phố Maribyrnong là nơi mà các cộng đồng sắc  tộc có thể học hỏi, giúp đở lẫn nhau, và cộng đồng người Việt là cộng đồng đã đi tiên phong trong việc đóng góp, bảo  vệ sự hài hòa cho một xã hội đa văn hóa.

Ông Nguyễn Hồng Ký (Chủ Tịch Hội Thương Gia Á Châu Footscray - FABA) bày tỏ cảm nghĩ - "Hôm nay chúng ta đi vào ký  ức và hồi tưởng lại những cảnh tượng vượt biên vô cùng gian khổ và nguy hiểm. Chúng ta phải băng rừng, vượt biển và  luôn đương đầu với cái chết trên đường tìm đến bến bờ tự do. Trên bước đường vượt biên có rất nhiều người kém may  mắn và phải bỏ mình trong rừng sâu hay trên biển cả. Chúng ta là những người may mắn và được định cư nơi đệ tam quốc  gia, hưởng được không khí tự do, nhân quyền và dân chủ. Hôm nay chúng ta cùng hướng tâm cầu nguyện cho linh hồn được  siêu thoát của những đồng bào kém may mắn đã bỏ mình trên bước đường vượt biên. Chúng ta cũng không quên cám ơn đến  Cao Uỷ LHQ, các nước đồng minh/bạn đã cưu mang chúng ta nơi đệ tam quốc gia ..."

Xen kẻ những bài phát biểu là phần trình diễn của cô Bích Cầm (Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc) với ca khúc "Người Di  Tản Buồn", của ca sĩ Anh Đào qua "Lời Kinh Đêm" nói lên nỗi xót xa của một thời đã qua, và Trần Quốc Việt biểu lộ  niềm hãnh diện về cội nguồn "Việt Nam, Việt Nam" qua tiếng sáo.

Trong một bầu không khí se lạnh, trang nghiêm của một buổi sáng mùa Đông, ông Nguyễn Thế Phong long trọng tiến hành  nghi thức tế lễ, cầu nguyện cho những linh hồn bất hạnh bằng một bài "Văn Tế Thuyền Nhân", và tiếp theo sau là phần  dâng hương, dâng hoa, khấn nguyện của đồng bào và quan khách diễn ra trong tiếng sao réo rắt của Trần Quốc Việt với  bản "Đêm Chôn Dầu Vượt Biển".

Nhóm hợp ca Hội Phụ Nữ CĐNVTD/VIC đã kết thúc buổi lễ với ca khúc "Ta Là Người Việt Nam" đầy hào khí, tạo một niềm  tin cho ngày trở về quê hương Việt Nam.

Với những đóng góp đầy ý nghĩa phản ảnh và trân trọng cái nguồn gốc tỵ nạn, những người bạn trẻ trong sáng, duyên  dáng, khôi ngô, tuấn tú và "hãnh diện là một công dân Úc giàu bản sắc Việt" ("Very proud to be Australian with a  rich Vietnamese heritage" - lời của Trần Quốc Việt) đã làm rạng rỡ sân khấu (Springvale), làm ấm áp một buổi sáng  mùa đông (Footscray) đồng thời cũng làm rạng rỡ và ấm lòng các bậc phụ huynh, những người mà đã một thời phải lam  lũ, nhục nhằn vì tương lai của các con em.

Melbourne
22 & 23/06/2019

Một số hình ảnh của buổi lễ tại Springvale – https://photos.app.goo.gl/h79Hz5ikmWtShQjX9

 





















Một số hình ảnh của buổi lễ tại Footscray – https://photos.app.goo.gl/N5i25E7x78NLFSm98

 

 





















 ---

Chuyện bất ngờ: Sự có mặt của bà Susan Terry, một nữ y tá đã từng phục vụ tại Long Xuyên, tỉnh An Giang từ 10/1964 đến 11/1965 và là tác giả cuốn sách "House of Love - Life in a Vietnamese Hospital", đã mang đến một nỗi xúc động, một niềm vui cho Cộng đồng người Việt trong buổi lễ Tỵ Nạn.

 

Bà Susan Terry đứng thứ ba từ bên trái

 

Cuốn sách "House of Love - Life in a Vietnamese Hospital" của bà Susan Terry

 

---



(Bài phát biểu của Celia Trần)

Trước tiên tôi xin tỏ lòng biết ơn những chủ nhân truyền thống của mảnh đất mà chúng ta đang hiện diện nơi đây, cũng  như bày tỏ lòng kính trọng đối với những bậc trưởng thượng trong quá khứ cũng như hiện tại.

Thay mặt Cộng đồng người Việt tại tiểu bang Victoria, tôi xin chính thức chào mừng tất cả các quý vị tham dự buổi lễ  kỷ niệm Tuần Lễ Tỵ Nạn quốc tế được tổ chức tại Footscray Jensen Reserve hôm nay.

Năm nay, cộng đồng người Việt kỷ niệm 44 năm định cư tại Úc. Từ lúc chiếc thuyền tỵ nạn đầu tiên đến Úc vào ngày 26  tháng 4 năm 1976 đến nay đã có hơn 200,000 người Việt đến định cư ở Úc, rất nhiều người trong số đó là tỵ nạn trốn  chạy Cộng Sản Việt Nam. Cộng đồng người Việt chúng ta hiện đứng thứ năm trong tất cả các cộng đồng sắc tộc ở Úc và  là một phần tử thiết yếu của xã hội đa văn hóa của Úc.

Số lượng nói trên chỉ ghi nhận số người đến từ các trại tỵ nạn hoặc được bảo trợ. Không phải ai cũng thành công trên  con đường vượt biên, rất nhiều người đã bị bắt trên đường đào thoát. Biển cả hung hản, những con thuyền mong manh  quá tải và cướp biển đã giết chết bao người, một con số mà chúng ta không bao giờ biết rõ.

Cộng đồng chúng ta đã đi được một chặng đường dài, chúng ta sẽ mãi mãi mang trong lòng nỗi nhớ đến những người đã bỏ  mình trên biển cả và những người đã hy sinh trên chiến trường Việt Nam. Chúng ta sẽ mãi mãi biết ơn những cựu chiến  binh trong đó có nhiều vị đang có mặt hôm nay, những người đã mang những nỗi đau và những vết thẹo gây ra bởi chiến  tranh cho đến ngày hôm nay.

Cộng đồng chúng ta đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, vì đời sống quá bận rôn, chúng ta dễ dàng quên đi  nguồn gốc tỵ nạn của mình. Đặc biệt là những người sanh tại Úc, ngay cả những thuyền nhân cũng quên lãng thế nào là  được cho một cơ hội thứ hai để làm lại cuộc đời. Hàng triệu người trên thế giới hiện nay đang chờ một cơ hội định  cư, trong số đó hàng chục ngàn người có visa tạm ở Úc, hay những người đang ở các trại tạm cư ở các đảo ngoài Úc,  đang chờ đợi được cứu xét nhập cư vào Úc. Điều quan trọng là chúng ta không quên những người này, cũng như chúng ta,  những người đã được hưởng chế độ tỵ nạn, hãy cố gắng giúp đỡ họ.

Tuần lễ này đánh dấu Tuần lễ tỵ nạn trên toàn thế giới trong 3 năm liên tiếp với chủ đích là Hãy cùng với người tỵ  nạn. Tuần lễ này khuyến khích chúng ta chia sẻ những câu chuyện, thức ăn khắp nơi trên thế giới. Do vậy, chúng ta  phải tiếp tục kể về những câu chuyện của người tỵ nạn. Chúng tôi những người thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba, xin ông  bà, cha mẹ hãy kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện vượt biên của họ. Chúng tôi rất muốn được nghe những câu  chuyện đó, vì điều đó rất quan trọng đối với chúng tôi trong việc bảo tồn văn hóa và hiểu được những hy sinh của cha  ông, cùng những câu chuyện về đất nước Việt Nam để truyền đạt cho thế hệ mai sau.

Dù giới trẻ không nói giỏi tiếng Việt, chúng tôi vẫn có thể học hỏi qua hình ảnh, lưu vật và những câu chuyện. Đã có nhiều bạn trẻ nói với tôi là họ muốn được nghe những câu chuyện của ông bà, cha mẹ nhưng họ rất ngại hỏi, hay không hỏi sớm hơn.

Tôi rất vui khi được cha mẹ tôi kể cho tôi về chuyện vượt biên của họ.

Ba mẹ tôi đã trốn thoát khỏi Việt Nam bằng thuyền khoảng 35 năm trước. Ba tôi là thuyền trưởng, ông đã không ngủ  trong mấy đêm liền để đưa con thuyền nhỏ bé vượt đại dương. Đàn bà, con nít chen chút nhau trên chiếc thuyền đánh cá  nhỏ bé với hy vọng có được một cơ hội sống mới. Thuyền ba mẹ tôi bị lạc trên biển nhưng họ đã vô cùng may mắn khi  gặp một ngư dân Nam Dương hướng dẫn họ đến đất liền an toàn và sau cùng đến một trại tị nạn ở Nam Dương

Tôi rất biết ơn những hy sinh của ba mẹ, nhờ những hy sinh này tôi đã có cơ hội được sống một cuộc sống trọn vẹn ở  đất nước tuyệt vời này, điều mà nhiều người không có điều kiện để trải nghiệm.

Tôi rất biết ơn Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đã giúp đỡ cha mẹ tôi trong thời gian họ ở trại tỵ nạn, vào  thời điểm cực kỳ khó khăn đó, họ vẫn còn hy vọng. Tôi rất biết ơn lòng rộng lượng của người dân Úc, những người đã  giúp đỡ gia đình tôi và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ họ trong bước đầu định cư.

Cuối cùng, thật là một đặc ân khi tôi được đứng ở đây hôm nay, được phục vụ cộng đồng của tôi qua Cộng động người  Việt tự do tiểu bang Victoria, được góp phần vào việc bảo tồn di sản văn hóa, bảo tồn những câu chuyện về những hy  sinh của thế hệ trước, để truyền lại cho các thế hệ sau này.

Sau đây, xin mời quý vị ở lại dùng bữa trưa, gặp gỡ và chia sẻ những câu chuyện với những người đồng hương cũ cũng  như mới.

Xin cảm ơn quý vị.

 

 

Số trang đã đọc

Articles View Hits
919349

Số độc giả đang đọc

We have 156 guests and no members online