• Sydney: Tưởng Niệm Ngày 30 tháng Tư năm 2023

  • Melbourne: Viện Bảo Tàng Việt Nam Tái Khởi Công ngày 26-02-2022

  • Sydney: Lễ Tưởng niệm Thiếu Tướng Lê Minh Đảo ngày 19-03-2022

  • Wollongong: Diễn hành Ngày ANZAC - 25-04-2022

  • Sydney: Tưởng Niệm Ngày 30 tháng Tư năm 2022

  • Ngày Quân Lực 19/06/2019 ở San Diego

  • Canberra: 44 năm Quốc Hận - 30/04/2019

  • Canberra: 44 năm Quốc Hận - 30/04/2019

Copyright 2024 - Người Việt Ly Hương - Úc Châu

Victoria: Buổi điều trần về Tự do Tôn giáo ở Việt Nam

Vào đúng ngày này (30/04), 43 năm trước, Miền Nam Việt Nam đã mất hết tự do (tự do ngôn luận, tôn giáo, hội họp, ...). Và hôm nay, cũng vào ngày 30/04 (2018), CĐNVTD/VIC đã có một buổi điều trần về tự do tôn giáo và tình trạng nhân quyền ở Việt Nam tại Quốc Hội Victoria do Quốc Hội Liên Bang Úc Châu tổ chức.

Nhưng không chỉ có ngày hôm nay mà trong suốt 43 năm qua người Việt tỵ nạn đã kiên trì và mạnh mẽ đấu tranh đòi tự do, dân chủ và nhân quyền cho dân tộc bằng mọi hình thức - thông báo, tuyên cáo, bản báo cáo, thỉnh nguyện thư, kiến nghị, tuần hành, biểu tình, vận động chính giới & các tổ chức nhân quyền quốc tế, điều trần trước Quốc Hội của quốc gia sở tại và các cơ quan đặc trách về tự do tôn giáo của cộng đồng thế giới.

Để tạo sự thuận tiện cho CĐNVTD/VIC, Uỷ Ban của Quốc Hội Liên Bang đã sắp xếp một buổi điều trần tại Phòng Họp Uỷ Ban Lập Pháp, Quốc Hội Victoria, để lắng nghe tiếng nói chính thức từ cộng đồng người Việt. Uỷ Ban gồm có Dân Biểu Kevin Andrews (Tự Do) chủ tọa, Bà Sonya Fladun (thư ký), Bà Nghị Sĩ Lisa Singh (Lao Động), Bà Dân Biểu Maria Vamvakinou (Lao Động), Bà Nghị Sĩ Claire Moore (Lao Động) và Dân Biểu David Fawcett (Tự Do). Về phía cộng đồng người Việt, Ban Điều Trần có cô Phượng Vỹ (Chủ Tịch CĐNVTD/VIC), Cha Peter Hoàng Kim Huy (Công Giáo), ông Trần Khánh Dư và ông Đỗ Tiến Nhã (Phật Giáo Hòa Hảo) với sự hỗ trợ đông đảo đồng bào.

Ban Điều Trần đã trình bày về tình trạng nhân quyền bị chà đạp và tôn giáo bị đàn áp, bách hại tại Việt Nam kèm theo những trường hợp cụ thể, rõ ràng, những sự kiện (facts) không thể che đậy như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), Trần thị Nga, Nguyễn văn Đài, Cha Nguyễn văn Lý, Cha Phan văn Lợi, ... Điển hình nhất là trường hợp của Cha Đặng Hữu Nam và Cha Nguyễn Đình Thục đã bị khủng bố, đấu tố sau khi can đảm lên tiếng tranh đấu cho nhân quyền, quyền lợi của người dân đối với thảm họa môi trường do Formosa gây ra. Về phía Phật Giáo Hòa Hảo thì luôn luôn bị cấm tổ chức lễ tưởng niệm Đức Huỳnh Giáo Chủ và nổi bật nhất là trường hợp ông Vương văn Thả bị bắt cùng với 3 người thân trong gia đình và bị tuyên án 12 năm tù, ông Nguyễn Hữu Tấn bị giết (cắt cổ) trong đồn công an CSVN,...

Áp dụng chính sách tiêu diệt tôn giáo, CSVN đã tạo dựng nên những giáo hội quốc doanh nhằm đánh phá, chia rẽ những tôn giáo chính thống và đặt ra bao luật lệ để kiểm soát gắt gao các giáo hội (cấu trúc, sự tuyển dụng và bổ nhiệm nhân sự), chùa chiền, nhà thờ, cha, thầy, các tín đồ và giới hạn, ngăn chặn các sinh hoạt, hoạt động tôn giáo. Ngoài ra nhà cầm quyền CSVN còn tìm mọi cách, lý do để cướp đất đai, tài sản, đập phá các cơ sở tôn giáo và tùy tiện đánh đập, bắt giữ, bức hại các tín đồ, quản thúc tại gia các vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo. Không chỉ có những tôn giáo lớn bị khủng bố, bị đàn áp mãnh liệt mà ngay cả người dân thiểu số cũng bị ngăn cấm không được phép có những sinh hoạt, thực hiện những nghi thức theo tín ngưỡng riêng của họ.

Các vị dân biểu hiểu quá rõ tình trạng nhân quyền tại Việt Nam và cho biết là CSVN luôn luôn né tránh, lờ đi hoặc chỉ có những lời hứa suông khi chính phủ Úc đề cập đến những trường hợp cụ thể về các tù nhân lương tâm. Các vị dân biểu cũng đã nêu lên việc CSVN vừa mới ban hành luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo (TNTG) và muốn biết ý kiến, sự quan tâm của Ban Điều Trần cũng như kinh nghiệm mà người dân Việt Nam phải đối điện trên thực tế hơn là những gì được ghi trong bộ luật TNTG.

Ban Điều Trần đã nhấn mạnh rằng: Luật TNTG là một sự mâu thuẩn đối với CSVN, chứa đựng những luật lệ ràng buộc, hạn chế, kiểm soát rất tinh vi, đi ngược lại với tự do tôn giáo thế giới. Ví dụ, luật TNTG đòi hỏi mọi tôn giáo phải ghi tên và phải được xét duyệt, chấp thuận thì mới có quyền hoạt động một cách hợp pháp trong khi ở các nước tự do không bao giờ có luật về tôn giáo. Và ngay cả những hoạt động xã hội như giáo dục, y tế, từ thiện cũng bị ngăn cấm. Trên thực tế, tình trạng nhân quyền càng ngày càng trở nên tồi tệ với những hình ảnh tôn giáo bị đàn áp, bách hại ... diễn ra hàng ngày như đã diễn ra trong bao năm qua.

Khi các vị dân biểu yêu cầu Ban Điều Trần đưa ra những thí dụ cụ thể thì cô Phượng Vỹ đã nêu lên trừơng hợp của Cha Nguyễn Đình Thục khi làm lễ cầu nguyện cho những nạn nhân Formosa tại giáo xứ Song Ngọc đã bị công an ngăn chận vì cho rằng Cha đã "vi phạm luật pháp". Cha Hoàng Kim Huy thì nói về kinh nghiệm bản thân trong những lần về Việt Nam - bị theo dõi và phải có tiền hối lộ công an thì mới được làm lễ. Có nghĩa là sự sách nhiễu, đàn áp, bức hại tôn giáo đã đươc thi hành bởi chính quyền địa phương ngay cả ở cấp thấp nhất. Ông Đỗ Tiến Nhã thì cảnh báo về hình thức hào nhoáng bên ngoài của những nhà thờ, chùa quốc doanh, những ngày lễ tôn giáo do CSVN tổ chức để làm ra vẻ Việt Nam có tự do tôn giáo, để che mắt, lừa gạt thế giới. Nói cho cùng là "Đừng nghe những gì CS nói ..."

Sau cùng Ban Điều Trần đã có những thỉnh nguyện với Uỷ Ban như sau:

- Chính phủ Úc phải có những thái độ mạnh mẽ hơn đối với CSVN về tình trạng nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam. Đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải tôn trọng luật pháp quốc tế và đặt điều kiện nhân quyền khi viện trợ, bang giao hay giao thương với CSVN;

- Cần phải có một hệ thống theo dõi tình trạng vi phạm nhân quyền và bức hại tôn giáo vì mặc dầu đã trãi qua 14 lần Đối Thoại với CSVN (Australia-Vietnam Human Rights Dialogue) nhưng tình trạng vi phạm nhân quyền và bức hại tôn giáo càng ngày lại càng trở nên tồi tệ hơn;

- Cứu xét Đạo Luật Nhân Quyền Toàn Cầu Magnitsky để áp dụng tại Úc (mà Canada và Hoa Kỳ đã thiết lập) nhắm vào các cá nhân và người thân của những người đã nhúng tay (trực tiếp hoặc gián tiếp) vào những vụ đàn áp, khủng bố, bách hại tôn giáo hay chà đạp nhân quyền;

- Thiết lập các "Chỉ Số Thực Hiện" (Key Performance Indicator - KPI) để theo dõi, đo lường và đánh giá những gì CSVN phải thực hiện trong các lãnh vực, về các phương diện được yêu cầu, trong một thời gian ấn định.

Sau buổi điều trần, không bỏ lỡ cơ hội, đồng bào trực tiếp nói chuyện, "vận động hành lang" các thành viên trong Uỷ Ban với tất cả lòng nhiệt thành, với sự quyết tâm làm bất cứ điều gì có thể làm được cho dân tộc Việt Nam đang lầm than trong nhà tù nhỏ và lớn của CSVN.

Melbourne
30/04/2018

Một số hình ảnh của buổi điều trần - https://photos.app.goo.gl/qnGk4uLx0qJh82gN2

 













 

 

 

 

Số trang đã đọc

Articles View Hits
915915

Số độc giả đang đọc

We have 110 guests and no members online